Hồi đó, kem mút là món ăn vô cùng ưa thích của bọn trẻ chúng tôi, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực. Tôi còn nhớ, một que kem giá chỉ có 200 đồng - một cái giá rất phù hợp với túi tiền của nông dân nghèo.
Những bạn nào sinh ra và lớn lên ở thành phố thì đa phần không được biết cái âm thanh đó thú vị như thế nào. Nhưng đối với những người sống ở nvùng nông thôn như tôi, âm thanh ấy đã trở thành một phần không thể thiếu được của tuổi thơ - tiếng rao của hàng kem bán rong.
Nếu ai từng được nghe thấy cái âm thanh dễ thương này thì chắc chắn cũng không thể quên được hình ảnh người bán kem miệt mài đạp xe, đằng sau chở theo một thùng kem được làm bằng gỗ, kèm theo 2 bên sườn xe là những mảnh sắt vụn, đồng nát, những túi đựng lông ngan, lông vịt, chai bia, nhựa... Và trên tay họ, luôn cầm theo một thiết bị rất đặc biệt mà chính nhờ nó mà cái thứ âm thanh kia mới được phát ra.
Thiết bị đó được thiết kế rất đơn giản. Nó gồm 2 bộ phận chính: một chiếc kèn bằng đồng dài khoảng 15 cm và một cái chai nhựa dẻo có thể là một cái lọ dầu gội đầu, một chai dầu rửa bát đã dùng hết hay bất kỳ cái gì tương tự như thế. Chiếc loa đồng được nhét vào miệng cái chai nhựa kia rồi quấn chặt lại bởi dây chun. Đơn giản vậy đó! Khi lấy tay bóp vào cái chai nhựa, âm thanh sẽ phát ra. Thú vị hơn nữa, khi ta thả tay ra, vẫn có tiếng phát ra nhưng âm thanh thứ hai này nhỏ và dài hơn âm thanh trước đó: "Kem mút, kem mút, kem mút, kem..".
Ảnh minh họa: Vn-zoom.com. |
Tôi không thể dùng từ nào khác phù hợp hơn các từ ấy để mô tả cái âm thanh đặc biệt đó bởi vì nếu bạn từng nghe thấy nó thì chắc chắn bạn sẽ có liên tưởng như vậy. Một sự mô tả quá chân thực! Những hàng bán rong khác, họ phải sử dụng chính giọng nói của mình để báo hiệu cho mọi người biết sự có mặt của họ. Chẳng hạn, người bán tàu pha: "Tàu phaaaaaa, tàu phaaaaaa…”; người bán dép: "Ai đổi dép đây!”; người bán muối: "Ai đổi muối đây!”...
Nhưng đối với hàng kem thì người bán không phải mất công mất sức rao bằng chính tiếng nói của mình như vậy. Họ vừa đi vừa bóp cái thiết bị đó, những âm thanh đặc biệt không lẫn vào đâu được lại vang lên: "kem mút, kem mút, kem...". Không hề có một từ ngữ nào hết, ấy vậy mà mỗi lần nghe thấy nó, hình ảnh một chiếc kem màu trắng mát lạnh lại hiện ra. Khi đưa que kem đó gần tới miệng, hơi lạnh của nó tỏa ra.
Mềm mại và nhẹ nhàng, nó lan quanh vùng miệng, từ đôi môi xuống tới cằm rồi ùa qua hai bên má. Hương thơm từ sữa phảng phất luồn vào cánh mũi, len lỏi, len lỏi, chậm rãi... Hương thơm và hơi lạnh của nó tạo nên một thế gọng kìm không thể công phá, nó quyến rũ bất kỳ ai một khi đã cầm nó ở trên tay. Rồi khi ta đưa nó vào miệng, hàm răng và đôi môi ta chạm vào của nó, lưỡi áp sát vào cơ thể trắng nõn nà của nó... Vị ngọt thẩm thấu sâu vào từng tế bào lưỡi, hơi lạnh bắt đầu lan tỏa khắp hai hàm răng và đôi môi, rồi lan xuống lợi từ đó lan tỏa ra khắp khoang miệng. Một cảm giác mát lạnh, sảng khoái bao trùm y hệt như cảm giác đứng dưới một thác nước giữa một rừng cây xanh mát.
Khi miệng bạn đã thư giãn thực sự bởi cái cảm giác tuyệt vời ấy, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc cắn một miếng thật to cho đã. Đừng vội! Hãy từ từ kéo nó ra khỏi miệng. Chậm rãi, chậm rãi! Hãy để đôi môi, lưỡi của bạn được trườn trên nó, hàm răng của bạn được cọ nhẹ nhàng vào nó. Hãy nhớ, làm thật từ từ, đừng vội cho tới khi răng, môi, lưỡi của bạn không chạm vào nó nữa. Lúc đó, chiếc kem trông ướt hơn, mềm mại hơn, bóng bẩy hơn trông lại càng hấp dẫn. Hãy tiếp tục lặp lại như thế cho tới khi chiếc kem chỉ còn lại chiếc que tre đơn độc. Đó là cách thưởng thức kem tốt nhất và đó cũng là lý do tại sao nó lại có tên là kem mút.
Hồi ấy, cuộc sống người dân còn nghèo, rất ít hộ gia đình có tủ lạnh nên giải nhiệt bằng kem là sự lựa chọn tuyệt vời trong mùa hè nóng bức. Cứ mỗi lần nghe thấy cái âm thanh quen thuộc đó, sự thèm muốn lại dâng lên trong mỗi đứa trẻ chúng tôi. Đứa nào có tiền thì chỉ việc chạy ra mua. Còn những đứa không có tiền mặt, thì bắt đầu lùng sục khắp nhà, khắp vườn xem có nhôm nát, sắt vụn, nhựa hỏng, chai bia thủy tinh hay lông ngan, lông vịt gì không để đem ra đổi kem.
Tôi nhớ, hồi đó cứ mỗi lần nhà tôi có cúng giỗ hay công việc gì đó mà phải giết ngan, vịt thì bao giờ tôi cũng được giao nhiệm vụ cất gọn những túi lông vào một chỗ để đổi kem. Rồi nếu có uống bia, loại bia đựng trong chai thủy tinh màu xanh thì tôi cũng là người đem những vỏ chai đó đi cất giữ đầu tiên, cũng với mục đích trên. Rồi có bao nhiêu thứ đồ đạc không dùng được, bố mẹ tôi đều phân loại ra để bán cho hàng kem.
Người bán kem cũng chính là người đi thu mua phế liệu. Nhờ thế mà chúng tôi tìm được người để bán những thứ không sử dụng nữa, đồng thời lại có thể mua kem ăn giải khát. Nếu hàng kem nào bán đến gần trưa mà vẫn chưa hết hàng, thì họ thường hạ giá để sớm về sum họp với gia đình. 1.000 đồng lúc này có thể mua được 6 cái kem, thậm chí là 7-8 cái.
Mỗi lần có dịp đứng cạnh hàng kem, tôi lại hí hoáy nghịch ngợm cái “còi” mà phát ra âm thanh thú vị đó. Tôi cầm và bóp cho nó kêu inh ỏi. Còn cái thùng đựng kem ở đằng sau nữa chứ, hồi đó đối với tôi, nó cả là một bí ẩn lớn. Tôi đã luôn thắc mắc, bên trong cái thùng kia cấu tạo như thế nào mà lại có thể giữ được những que kem không bị tan ra thành nước. Và tôi lúc nào cũng cố nghển đầu lên xem bên trong chiếc hộp đó chứa những gì mà lại có thể làm được điều kỳ diệu như vậy. Nhưng lúc đó, chiều cao của tôi không đủ để có thể làm được điều ấy.
Keeem mút, keem mút, kem mút kem..
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, tôi cao lớn dần. Rồi một ngày, chiều cao của tôi đủ để giúp tôi có thể ngó đầu vào khám phá xem cái thùng xốp đựng kem đó có gì bí ẩn. Thật ra, cấu tạo của nó chẳng có gì đặc biệt. Nó chỉ là một cái thùng gỗ, bên trong là một lớp xốp dày. Các que kem được xếp gọn gàng vào đó, rồi được phủ một lớp báo, rồi một lớp vải để cách ly nhiệt độ trong thùng kem với nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Với cách bảo quản như vậy, những que kem có thể đông cứng trong suốt gần 8 tiếng đồng hồ.
Nhưng nếu như tôi càng cao lớn bao nhiêu, càng ngó đầu nhìn vào bên trong thùng kem đó dễ dàng bấy nhiêu thì cũng là lúc tôi không thích ăn kem nữa. Vì lý do tuổi tác chăng? Không phải vậy bởi vì hồi tôi còn nhỏ, thì từ già tới trẻ đều thích ăn kem. Lý do dễ nhận thấy nhất cho sự thay đổi ấy, tôi nghĩ chính là sự phát triển của xã hội, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Nếu như hồi đó, tivi, tủ lạnh, điện thoại, xe máy là những đồ dùng hiếm thấy xuất hiện trong các gia đình nông thôn Việt Nam thì giờ đây, hầu như gia đình nào cũng có những thứ đó. Khi thời tiết nắng nóng, chúng ta sẽ nghĩ đến ngay việc mở tủ lạnh ra để tìm thứ gì đó giải nhiệt. Có thể là hoa quả, nước chanh, sữa, nước ngọt có ga, bia, sữa chua.
Và tất nhiên, chúng ta có thể mua sẵn những chiếc kem rồi để vào trong ngăn đá tủ lạnh để sẵn sàng bỏ ra thưởng thức khi cần. Mức sống của người dân được nâng cao, họ có nhiều lựa chọn hơn. Bây giờ, người ta ít ăn kem bán dong như hồi như nữa mà thay vào đó là các loại kem đắt tiền hơn. Đó có thể là kem hộp, kem ốc quế, kem que với bao nhiêu loại hương vị như đỗ xanh, dừa, chocolate, cốm, sữa...
Hàng kem bán rong giờ đây vẫn thỉnh thoảng vào làng tôi. Vẫn tiếng rao đó, vẫn cái kiểu thùng gỗ đó nhưng giá của một que kem đã là 500 đồng một chiếc. Cách đây không lâu, tôi đã mua một chiếc và ăn thử. Vẫn mùi vị ấy nhưng tôi không cảm thấy ngon như những chiếc kem tôi vẫn ăn hồi bé nữa. Hàng kem rong cùng với cái thứ âm thanh đặc biệt mà nó sớm hay muộn cũng sẽ biến mất cùng với sự đi lên của xã hội nhưng hình ảnh về nó mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo như tôi. Một tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng.
Vu Quoc Dat
0 comments:
Post a Comment