Anh Fast đã coi 141 như một giải pháp chính để thể hiện khả năng bảo vệ an ninh trật tự của xxx HN. Số các đội 141 tăng gấp đôi và các bài báo liên tục đưa tin bài về hiệu quả hoạt động trong việc bắt giữ tội phạm.
Thậm chí ở trỏng còn bị ép nhập khẩu mô hình này để giải quyết các vấn nạn về an ninh trật tự. Tuy nhiên nhìn vào mặt bản chất 141 thể hiện nhiều điều hơn một phương pháp bảo vệ an ninh trật tự đơn thuần.
Thứ nhất dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh trật tự, 141 được quyền coi tất cả các người dân đều có khả năng phạm tội và được quyền đối xử với bất kỳ người dân nào như tội phạm. Vì thế đơn vị này có quyền chặn bắt và kiểm tra hành chính bất kỳ người dân nào.
Chỉ riêng cách tư duy này đã thể hiện sự coi thường danh dự và nhân phẩm của con người. Về mặt nguyên tắc, bất kỳ nền pháp luật nào cũng chỉ cho phép khám xét một công dân khi anh có dấu hiệu phạm tội hình sự một cách rõ ràng. Thân thể, phương tiện, nơi làm việc, nơi cư trú là những không gian bất khả xâm phạm. Nếu tước đoạt những quyền bất khả xâm phạm đó khi chưa chứng minh được dấu hiệu phạm tội của một công dân thì đồng nghĩa với việc vi phạm trầm trọng những quyền cơ bản của con người.
Bằng việc lập ra 141, xxx HN đã làm một điều phi thường là khám xét mọi công dân khi chưa chứng minh được dấu hiệu phạm tội hình sự. Họ sử dụng các vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ như dấu hiệu của việc phạm tội hình sự. Đây là một sự đánh tráo khái niệm thể hiện sự coi thường đối với những quyền cơ bản nhất của con người. Đồng thời dấu hiệu phạm tội hình sự cũng được quyết định bởi cảm nhận của người thi hành công vụ chứ không cần phải chứng minh bằng chứng lý rõ ràng.
Do đó toàn bộ quá trình thực thi pháp luật phụ thuộc vào ý muốn của người thi hành công vụ. Quá trình này dẫn đến hệ quả là danh dự và nhân phẩm của công dân bị xúc phạm một cách có hệ thống dưới nhãn mác bảo vệ an ninh trật tự. Đồng thời người thi hành công vụ được trao quyền lực đứng trên mọi nguyên tắc hành pháp thông thường. Điều này thường chỉ diễn ra trong thời chiến.
Dưới góc độ này logic cơ bản là để bắt được tội phạm thì phải coi toàn dân có khả năng phạm tội và chiến tranh hóa quốc gia ở cấp độ thấp bằng cách chấp nhận sự lạm quyền của lực lượng thi hành công vụ và tước đoạt những quyền cơ bản của công dân. Không phủ nhận phương án trên sẽ có thể tạo ra một số hiệu quả nhất định.Tuy nhiên nó thể hiện nghiệp vụ của công an Hà Nội quá kém cỏi nên mới phải dùng đến những biện pháp mang tính “thời chiến” trong một công việc của thời bình. Đồng thời việc bắt thêm tội phạm có ý nghĩa gì khi chúng ta hy sinh những giá trị thiêng liêng nhất là : sự tôn trọng quyền, danh dự và nhân phẩm của công dân?
Thứ hai mô hình 141 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại trong quản lý trật tự xã hội và sự phổ biến của tội phạm trong nội bộ HN.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời lý do vì sao TP Hồ Chí Minh không cần 141 là “Hà Nội có quá nhiều ‘đầu gấu’ xưng ‘hùng’, ‘xưng bá’ khắp nơi, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, đi xe không đội nón bảo hiểm, chặn lại thì xưng là con ông cháu cha nên phải có lực lượng hỗ trợ. TP HCM chưa đến mức đó nên chưa cần có lực lượng này. TP HCM chỉ cần làm nhanh, hiệu quả chứ không cần một ông làm mà 2 ông thợ vịn như vậy”.
Nếu ai đã từng tiếp xúc với thiếu tướng Phan Anh Minh đều hiểu rằng đây là một con người sắc sảo nên những câu nói của ông đều căn cứ trên những nghiên cứu thực tế. Để minh chứng thêm cho nhận định của thiếu tướng Phan Anh Minh chúng ta chỉ cần nhìn vào tỉ lệ trong năm 2012, trên toàn thành phố Hà Nội xảy ra hơn 5.000 vụ phạm pháp hình sự, 506 kiểu đòi nợ kiểu “khủng bố” như đặt vòng hoa trước cổng, dùng mìn tự chế… Tỉ lệ trung bình là 0,77 vụ phạm pháp hình sự trên 1000 dân. Con số này ở thành phố Hồ Chí Minh là 0,66 vụ/1000 dân. Trong khi đó Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị, là thành phố hòa bình.
Tiếp tục nhìn vào những cái gọi là “thành tích” của 141 thì chỉ trong vòng sáu tháng thực hiện với năm tổ công tác, 50 chiến sỹ đã kiểm tra, xử lý gần 12.000 trường hợp vi phạm; thu giữ hàng trăm dao kiếm, súng, bình xịt hơi cay… Hơn 50 trường hợp bị cơ quan điều tra khởi tố. Sự phổ biến của các loại vũ khí nóng phần nào nói lên sự bất lực của chính xxx HN trong việc quản lý địa bàn, phòng ngừa tội phạm.
Nếu chỉ đơn thuần trên bình diện tham gia giao thông đã phát hiện được bấy nhiêu vũ khí thì nếu đi sâu vào thực tế tình hình tội phạm còn phức tạp đến mức nào? xxx HN liệu có trả lời được câu hỏi quan trọng hơn là lượng vũ khí đó từ đâu đến, được sử dụng vào những việc gì và được tổ chức cũng như bảo kê như thế nào không?
Mô hình 141 cũng thể hiện rõ sự phổ biến của tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nếu chỉ để xử lý những vi phạm giao thông đơn thuần thì chỉ đơn giản là tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông. Ở đây cần thêm lực lượng cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự vì tỉ lệ tội phạm trong số những người tham gia giao thông là quá cao. Với sự manh động của mình tội phạm hình sự không sợ cảnh sát giao thông và chỉ đơn thuần cảnh sát giao thông cũng không đủ dũng cảm để xử lý các đối tượng này.
Thứ ba mô hình 141 chỉ giải quyết phần nổi của các vấn đề an ninh trật tự chứ không hề giải quyết phần gốc của những vấn đề trên. Một trong những yếu tố căn bản để tội phạm liên tục gia tăng, bất chấp pháp luật, không sợ công an là vì chúng có nguồn kinh phí dồi dào, có tổ chức tốt và có sự bảo kê.
Như vậy muốn giải quyết tận gốc vấn đề tội phạm không thể có cách nào khác triệt tiêu các nguồn tài chính và loại bỏ các cá nhân trong các cơ quan công quyền đang cấu kết với chúng. Bắt dăm ba đối tượng mà giang hồ gọi là “trẻ con” xăm trổ trên đường không tác động gì tới hoạt động của cả thế giới ngầm. Nó chỉ tạo ra những con số mang tính báo cáo thành tích còn thực chất những tội phạm nguy hiểm thật sự không bao giờ bị bắt bởi những trò “cơ bắp” vớ vẩn đó. Nói cho đúng, các số liệu của 141 chỉ là những con số để làm đẹp báo cáo và che giấu cho một thực trạng tội phạm đáng báo động tại Hà Nội.
Chỉ cần nhìn vào quy mô những hiệu cầm đồ, những đường dây lô đề, bóng đá… thì bất kỳ một ai hiểu biết đều có thể chắc chắn rằng tội phạm không những không bị trừng phạt mà còn đang lớn mạnh từng ngày.
Thứ tư việc trao một quyền lực quá lớn cho một lực lượng “ô hợp” sẽ dẫn tới sự lạm quyền. Gọi “ô hợp” vì 141 là tập hợp của lính cơ động, giao thông và hình sự. Tất cả đều còn ở độ tuổi rất trẻ và không có bất kỳ tiêu chí gì trong tuyển chọn.
Việc vừa qua rộ lên thông tin 141 đánh dân thực chất đã thể hiện rất rõ sự căm tức trong dân chúng với hoạt động của lực lượng này. Nếu ai hiểu lực lượng công an chắc chắn sẽ khẳng định luôn không bao giờ lực lượng này lại đánh dân ở giữa chốn đông người vào lúc 16h. Nhưng vì sao khi thông tin đó đưa ra lại được tất cả những người dân trong khu vực và những người theo dõi ủng hộ? Tội phạm sau một thời gian thì đã ko còn dại dột nên thừa đủ các phương thức để tránh 141. Còn lại ai để 141 bắt thì chỉ là dân thôi. Và bắt dân chẳng tạo nên con số thống kê ấn tượng nào, cũng chẳng tạo nên thành tích về mặt tội phạm nào. Vậy tại sao lại không tạo ra những hiệu quả kinh tế khi quyền lực có thừa và ko chịu bất kỳ cơ chế kiểm soát nào?
Với tất cả những lý do trên, chúng ta nên coi 141 như mô hình thể hiện sự thất bại trong khả năng bảo vệ an ninh trật tự của xxx HN cũng như trong tư duy về bảo vệ an ninh trật tự trong một xã hội dân chủ tôn trọng quyền và nhân phẩm của công dân.
Đơn thuần nếu chỉ chú trọng đến tội phạm thì mô hình như đội Săn bắt cướp lừng danh một thời của thành phố Hồ Chí Minh là đủ. Tuy nhiên mô hình đó chỉ có thể áp dụng với tội phạm thật sự và ko thể ra tiền. Lập chốt, chặn xe, khám xét bất kỳ người dân nào nói cho cùng cũng sẽ dẫn tới hành vi phạt. Mà đã có quyền phạt, theo logic thông thường của lực lượng cảnh sát giao thông tức là có tiền.
Nguồn http://www.otofun.net/
0 comments:
Post a Comment