[ Wright Patman (a U.S. Congressman) asked Eccles (governor of the Federal Reserve Board) how the Federal Reserve got the money to buy government bonds.
"We created it," Eccles replied.
"Out of what?"
"Out of the right to issue credit money."
"And there is nothing behind it, is there, except our government's credit?"
"That is what our money system is," Eccles replied. "If there were no debts in our money system, there wouldn't be any money." ]
Tất cả chúng ta đều cần tiền và hầu hết ai cũng muốn có nhiều tiền. Tuy nhiên ít có ai biết hoặc quan tâm muốn biết tiền được tạo ra như thế nào. Dĩ nhiên điều nầy không quan trọng. Điều quan trọng là mọi người tin tưởng vào giá trị của tiền tệ. Chính sự tin tưởng nầy giúp các trao đổi kinh tế được thực hiện dễ dàng qua trung gian của đồng tiền. Tuy nhiên, kiến thức về tiền tệ sẽ tạo nền tảng cho sự hiểu biết về các hoạt động kinh tế quốc gia có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tài chánh cá nhân. Trong chiều hướng đó, tôi xin cống hiến quý đọc giả một bài viết ngắn về tiền tệ, đặc biệt là hệ thống tiền tệ Hoa Kỳ, một quốc gia có một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì đây là một bài viết ngắn, tôi xin đơn giản hoá vấn đề , nhưng vẫn giữ các yếu tố chính, để đọc giả dễ hiểu.
(1) Tiền Là Gì ?
Theo định nghĩa, tiền là một "trung gian trao đổi" (medium of exchange). Trước khi tiền được tạo ra, con người sống trong nền kinh tế đổi chác (barter economy). Trong thời ấy, cá nhân tự sản xuất thực phẩm, hàng hoá, hoặc dịch vụ để tiêu thụ. Nhưng cá nhân và gia đình không thể sản xuất được đủ mọi thứ. Do đó, người trong cộng đồng cần đổi chác sản phẩm với nhau. Thí dụ, người nông phu đem lúa đổi lấy chuối với người làm vườn. Người làm vườn đem chuối đổi lấy thịt heo với người chăn nuôi, v.v. Tuy nhiên , sự trao đổi nầy gặp khó khăn vì, chẳng hạn, khi người chăn nuôi không cần chuối, họ không muốn đổi thịt heo với người làm vườn. Và người làm vườn cần thịt, nhưng không thể lấy chuối đổi thịt heo được.
Để giải quyết vấn đề trên đây, người ta dùng " tiền hiện vật" (commodity money) như vỏ sò hoặc bắp khô làm làm trung gian trao đổi. Các hiện vật nầy có ưu điểm là dễ để dành và di chuyển. Khi xã hội bành trướng và tiến bộ hơn, người ta tìm một loại hiện vật khác có giá trị hơn làm trung gian trao đổi mà mọi người đều công nhận. Hiện vật đó là vàng.
Trước 1971, ở Hoa Kỳ vàng được dùng là bản vị để nhà nước phát hành tiền tệ. Hệ thống tiền tệ nầy được gọi là hệ thống kim bản vị. Mọi người, trong cũng như ngoài nước Hoa Kỳ, đều có thể lấy đồng Mỹ kim để đổi lấy vàng . Một điểm cần lưu ý là hệ thống tiền tệ dựa trên hiện vật (vỏ sò, bắp khô hoặc vàng) đặt trên sự “cảm nhận” chung của mọi người (people’s perception). Đa số đều chấp nhận rằng vàng là quí (valuable) và đẹp (beautiful) mặc dù vàng không nhất thiết là hữu dụng (useful) --- Thật vậy, ta không thể ăn vàng, hoặc dùng vàng để sưởi ấm vào muà đông, hoặc chạy máy lạnh trong muà hạ. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ về giá trị của vàng.
Sau 1971, Hoa kỳ chuyển sang hệ thống tiền tệ dựa trên tín dụng (fiat money). Tiền tệ hiện nay không còn dựa trên hiện vật (physical commodity) như vàng mà dựa vào sự "cảm nhận " (perception) và "niềm tin" (faith) của mọi người. Sở dĩ Hoa kỳ quyết định chuyển sang hệ thống tiền tệ dựa trên tín dụng, một mặt, là vì vàng thì hiếm hoi. Mặc khác, khi dân số và nền kinh tế bành trướng, chính phủ không có đủ vàng làm bản vị để phát hành đủ số lượng Mỹ kim cần thiết cho nền kinh tế.
(2) Mỹ Kim Được Tạo Ra Như Thế Nào ? -- Nợ Tạo Ra Tiền.
Sau 1971, Mỹ kim được phát hành dựa trên tín dụng. Nói một cách ngắn gọn: Tiền tệ được tạo ra dựa trên Nợ (DEBTS). Khẳng định nầy có thể khiến một số đọc giả thảng thốt la lên "Vô lý quá, không thể tin được!". Tuy nhiên, dù tin hay không, đây là thực tế.
Câu chuyện phát hành tiền tệ (trong hệ thống tiền tệ dựa trên tín dụng) bắt đầu từ một món nợ. Sau đây là một thí dụ được đơn giản hóa để dễ hiểu. Khi bạn cần mua 1 căn nhà 100 ngàn Mỹ Kim, bạn đến Wachovia Bank vay 100 ngàn Mỹ kim. Để cho dễ hiểu, thí dụ Wachovia Bank không có sẵn $100 ngàn . Điều nầy không thành vấn đề: Wachovia Bank đến Ngân Hàng Liên Bang (Federal Reserve Bank) vay $100 ngàn. Ngân Hàng Liên Bang phát hành một chi phiếu $100 ngàn cho Wachovia Bank. Wachovia Bank sau đó viết chi phiếu $100 ngàn cho bạn để bạn trả cho nhà thầu xây cất để mua căn nhà. Trường hợp nầy có thể tóm tắt như sau:
* Bạn nợ Wachovia $100 ngàn (nợ = liability -)
* Nhà thầu xây cất thu được $100 ngàn. (tài sản = asset +)
* Wachovia mắc nợ Ngân Hàng Liên Bang $100 ngàn (nợ = liability -)
* Wachovia làm chủ một món nợ $100 ngàn, "loan" của bạn (tài sản = asset +)
Tuy rằng tổng số tài sản + nợ = 0 (liabilities + assets = zero), trên thị trường có thêm $100 ngàn để lưu hành. Rõ ràng Ngân Hàng Liên Bang tạo nên tiền dựa trên NỢ (do Wachovia Bank vay của Ngân Hàng Liên Bang).
Cũng như các ngân hàng thương mại, chính phủ Hoa Kỳ cũng vay tiền của Ngân Hàng Liên Bang. Khi lâm vào tình trạng thiếu hụt ngân sách, chính phủ Hoa Kỳ phát hành công khố phiếu (trái phiếu = giấy nợ) và bán cho Ngân Hàng Liên Bang. Thí dụ, tổng số công khố phiếu nầy trị giá 1000 tỷ Mỹ kim, Ngân Hàng Liên Bang ký thác vào trương mục của chính phủ 1000 tỷ Mỹ kim. Chính phủ dùng số tiền nầy để tài trợ các chương trình công cộng nằm trong ngân sách quốc gia. Rõ ràng là 1000 tỷ Mỹ kim mà Ngân Hàng Liên Bang ký thác vào trương mục của chính phủ chỉ dựa vào món nợ của chính phủ (công khố phiếu). Và đơn giản như thế tổng số lượng tiền tệ của Hoa Kỳ được tăng thêm 1000 tỷ Mỹ Kim.
Tóm lại, Ngân Hàng Liên Bank có quyền (theo luật định) phát hành tiền tệ khi chính phủ hoặc các ngân hàng thương mại cần vay. Ngân Hàng Liên Bang phát hành tiền (in hoặc viết chi phiếu, hoặc chuyển bằng điện tử – electronic transfer) mà không cần vàng hoặc bất cứ vật gì làm bản vị. Chính Ngân Hàng Liên Bang có quyền tạo ra tiền và điều khiển số lượng tiền tệ lưu hành trong và ngoài nước Hoa Kỳ.
(3) Ngân Hàng Liên Bang Và Khối Lượng Tiền Tệ.
Ngoài quyền phát phành tiền tệ, Ngân Hàng Liên Bang còn có khả năng điều chỉnh khối tiền tệ lưu hành. Khi muốn tăng số lượng tiền tệ , Ngân Hàng Liên Bang phát hành tiền và tung ra thị trường bằng cách mua trái phiếu trên thị trường tài chánh hoặc công khố phiếu của chính phủ (thật ra Ngân Hàng Liên Bang không cần in tiền giấy mà chỉ cần phát hành chi phiếu (checks) hoặc chuyển tiền qua hệ thống điện tử (electronic transfer) vào trương mục của người bán trái phiếu hoặc chính phủ – Bộ Ngân Khố (Teasury Department). Điều nầy cho thấy một lần nữa rằng tiền được tạo ra dựa trên các món nợ.
Ngân Hàng Liên Bang cũng có thể cắt giảm số tiền tệ lưu hành trên thị trường bằng cách bán công khố phiếu trên thị trường tài chánh. Khi dân chúng (hoặc ngoại quốc) mang Mỹ kim mua công khố phiếu, số tiền nầy sẽ vào kho của Ngân Hàng Liên Bang và biến mất khỏi thị trường. Nói một cách khác ,số lượng tiền tệ trên thị trường bị giảm xuống.
(4) Biện Pháp Định Lượng Tiền Tệ. (Quatitative Easing --QE)
Đây là một trong những biện pháp trong chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Liên Bang. "Quantitave" hàm chỉ một số lượng tiền tệ nhất định được tạo rạ "Easing" ám chỉ "làm giảm nhẹ áp lực đối với các ngân hàng trong tình trạng thiếu tiền để hoạt động" . QE là một phương pháp của Ngân Hàng Liên bang tăng số cung tiền tệ . Lấy một thí dụ cho dễ hiểu:
The Bank of New York đang giữ một số công khố phiếu trị giá 50 tỷ Mỹ kim và muốn bán ra để có tiền cho vay hoặc đầu tư. Tuy nhiên trong lúc kinh tế suy trầm, không ai có tiền để mua. Vì muốn tăng số lượng tiền tệ trên thị trường để phục hồi kinh tế, Ngân hàng Liên Bang phát hành 50 tỷ Mỹ kim và mua hết số Treasury bonds của The Bank of New York. Với biện pháp QE này, Ngân Hàng Liên Bang hy vọng The Bank of New York sẽ cho các nhà doanh thương vay, có vốn để mướn thêm nhân công để sản xuất , tạo công ăn việc làm và phục hồi nền kinh tế.
LỜI BÀN THAY KẾT LUẬN
Tóm lại, dưới hệ thống tiền tệ dựa trên tín dụng, tiền được tạo ra dựa trên các món NỢ. Do đó, nợ càng lớn thì số tiền lưu hành trên thị trường càng nhiều. Đọc đến đây, một số đọc giả sẽ rất ngạc nhiên và sửng sốt. Tuy nhiên đây là thực tế.
Trước đây Huong Saigon khẳng đinh rằng : "Nợ QG gia là tài sản của dân chúng". Điều nầy rất chính xác. Tuy nhiên một đọc giả rất ngạc nhiên và thảng thốt phát biểu:
"Nợ của QG là tài sản của dân chúng! ... Thế là quý vị chấp nhận nếu QG càng nợ nần thì tài sản dân chúng càng giàu có nhiều thêm hay sao? Vô lý và khó chấp nhận !" [liet si Hang]
Đúng thế, Nợ của QG là tài sản của dân chúng. Khi người dân đem tiền mua công khố phiếu (giấy nợ của chính phủ), thì chính phủ thiếu nợ, trong khi người dân có tài sản là số công khố phiếu nầy. Thí dụ, khi ông liet si Hang bỏ 100 ngàn Mỹ kim để mua U.S. treasury bonds, chính phủ thiếu nợ ông liet si Hang 100 ngàn Mỹ kim và tài sản của ông liet si Hang là số U. S. treasury bonds trị giá 100 ngàn Mỹ kim. Với số bonds nầy , ông Hang còn có thêm tiền lời do chính phủ trả dựa trên số trái phiếu mà ông Hang có. Rõ ràng, số nợ đó của của chính phủ Hoa Kỳ là tài sản của ông liet si Hang.
Cũng tương tự như thế, ta có thể nói rằng tiền tệ lưu hành trên thị trường là nợ của chính phủ. Do đó sự gia tăng hay giảm sút của số lượng tiền tệ lưu hành tuỳ thuộc vào sự tăng hay giảm của số nợ của chính phủ.
Tóm lại, bao lâu mà mọi người ta còn tin tưởng vào đồng Mỹ kim, Ngân Hàng Liên Bang còn có thể tạo ra đồng Mỹ kim và tung ra thị trường để lưu hành, giúp cho nền kinh tế hoạt động đều hoà.
Sự phát hành tiền tệ dựa trên tín dụng nầy có vẽ vô lý vì nó không dựa vào một bản vị nào. Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu hơn thì nó không vô lý. Trở lại thí dụ vay nợ để mua nhà: Ngân hàng cho Wachovia Bank vay $100 ngàn, tức là tăng khối tiền tệ lưu hành $100 ngàn. Mặc dù số tiền nầy không căn cứ trên một bản vị nào, nhưng tài sản quốc gia có thêm một căn nhà. Do dó, chúng ta có thể tổng quát hoá rằng tổng số tiền lưu hành trên thị trường được bảo đảm bằng tài sản của quốc gia thể hiện qua Tổng Sản Lượng Quốc Gia. Do đó, quốc trái thường được thẩm định tương đối với tổng sản lượng quốc gia. Nếu Ngân hàng Liên Bang phát hành tiền tệ qúa mức, đồng Mỹ kim sẽ bị xuống giá theo luật cung cầu. Do đó, mặc dù có quyền phát hành tiền tệ không giới hạn, Ngân Hàng Liên Bang không thể tự tiện phát hành một cách bừa bãi. Một trong những trọng trách của Ngân Hàng Liên Bang là dùng chính sách tiền tệ (monetary policy) để điều hoà nền kinh tế. Đặc biệt Ngân Hàng Liên Bang luôn quan tâm đến việc ngăn ngừa lạm phát, một tai hoạ không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia.
Nguồn http://motgoctroi.com/
0 comments:
Post a Comment