Ông Lê Minh Hùng, hộ nuôi tôm ở xã Bình Thới, H.Bình Đại (Bến Tre), cho biết: “Mấy ngày nay thương lái tìm mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 260.000 - 300.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 190.000 - 200.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 120.000 đồng/kg… Đây là mức giá cao nhất trong hơn một năm gần đây. Tôm lên cơn sốt nhưng người nuôi chỉ biết nhìn mà tiếc hùi hụi, vì không có tôm để bán”.
Chạnh lòng nhìn giá tôm tăng
Ông Hùng tiết lộ vụ rồi ông thả nuôi 2 ao tôm thẻ mới 1 tháng tuổi thì bị dịch bệnh làm chết tràn lan, dù trị đủ cách cũng không cứu được, cuối cùng thua lỗ hơn 70 triệu đồng. Không riêng gì ở Bình Thới mà các xã khác của H.Bình Đại cũng gặp tình cảnh tương tự.
Ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, H.Bình Đại, lo lắng: “Thời tiết từ đầu năm đến nay nắng nóng, độ mặn quá cao đã gây bất lợi cho tôm. Những hộ thả sớm thì tỷ lệ thua cao hơn thắng. Chính điều này mà dù giá tôm tăng, song người nuôi vẫn dè chừng chưa dám thả giống tiếp”.
Theo VASEP, trong quý 1/2016, xuất khẩu tôm đạt 600 triệu USD, tăng 12% so cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, nếu nỗ lực khôi phục các đồng tôm nhằm tăng nguồn nguyên liệu; cộng với những tác động tích cực từ hiệp định FTA đối với xuất khẩu sang thị trường chính như: EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì dự báo xuất khẩu tôm năm 2016 có thể đạt từ 3,2 - 3,3 tỉ USD.Tại Trà Vinh, Sóc Trăng… tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Bùi Hoàng Anh, Bí thư Chi bộ ấp Hòa Muôn, xã Ngọc Tố, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhìn nhận: “Hồi tháng 2, tháng 3.2016, độ mặn cực cao từ 25 - 30‰ nên những hộ thả sớm đa phần bị thiệt hại. Tôm nuôi bị chết hàng loạt nên sản lượng giảm và giá tăng là khó tránh khỏi”.
Theo UBND xã Mỹ Long Nam, H.Cầu Ngang (Trà Vinh), trong hơn 300 ha tôm thả đợt đầu ở xã thì tỷ lệ thiệt hại 25 - 30%. Hiện thời tôm sốt giá khiến người nuôi băn khoăn không biết có nên thả nữa hay không.
Thiếu tôm xuất khẩu
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 8.000 ha tôm nuôi ở tỉnh bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tuy cấp, bệnh còi… Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không thả tôm ở những nơi có độ mặn trên 25‰, nhất là những xã ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên. Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư sẽ theo dõi chặt diễn biến thời tiết, độ mặn… khi nào điều kiện thuận lợi sẽ thông báo cho nông dân thả giống; tránh việc thả nuôi tự phát khi thấy giá tôm đang tăng cao sẽ dễ xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Công ty Thủy sản Nam Hải (KCN Trà Nóc 2, TP.Cần Thơ), bức xúc: “Do tôm nuôi bị chết quá nhiều khiến giá tăng cao bởi sản lượng không đủ xuất khẩu. Vấn đề cấp bách là các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt để tìm giải pháp ngăn chặn nạn tôm chết. Có thể chúng ta sang Thái Lan và các nước khác học hỏi kinh nghiệm, bởi vấn đề tôm chết ngày càng phức tạp, chẳng những thiệt hại nặng cho người nuôi mà việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng về trước mắt và lâu dài”.
Cùng nỗi lo trên, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Do nguồn tôm nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu nên các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ hoạt động khoảng 50% công suất”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSEP), lưu ý: Cùng với thiếu nguyên liệu thì mặt hàng tôm đang chịu áp lực cạnh tranh và giảm giá bán của nhiều nước. Ngoài ra, giá thành tôm của nước ta quá cao. Đây là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, nhằm giảm chi phí giá thành và để hướng tới việc nuôi tôm bền vững.
An Lạc
Thanh Niên
0 comments:
Post a Comment