Cải tiến quy trình nuôi
Đây là điều cần thiết và quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu, và hạn mặn như hiện nay. Có như vậy, con tôm mới có thể thích ứng và phát triển được. Tại các vùng ĐBSCL, đã có rất nhiều mô hình cải tiến thành công và mang lại hiệu quả. Như ở Kiên Giang: Nuôi tôm có mái che bằng lưới (lưới trồng lan); Mô hình trồng cỏ nuôi tôm để cải thiện môi trường nuôi, chống chịu mặn như cỏ đuôi phụng, lông công, năn tượng… Tại Cà Mau, có mô hình nuôi tôm quảng canh ít thay nước. Đây là hình thức nuôi có quy trình đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp, tôm giống được kiểm soát chất lượng đầu vào. Đồng thời, hạn chế được tình trạng thiếu nước, nguồn nước ô nhiễm và dịch bệnh trên tôm…
Nuôi tôm rừng đang được ưu tiên phát triển. |
Nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu dự báo không tốt, tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp thì đến năm 2020 các hộ nuôi tôm có thể giảm 130 triệu đồng/ha và giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050. Vì vậy, người nuôi cần chủ động cập nhật các thông tin dự báo thời tiết, dự báo và các khuyến cáo từ các nhà khoa học, ngành chức năng. Đây là việc làm vô cùng quan trọng trong điều kiện hiện nay, khi diễn biến thời tiết bất thường và không thể kiểm soát được. Các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, thiệt hại sẽ được giảm nhẹ thông qua các biện pháp dự báo hiệu quả, kịp thời. Từ các dự báo được đưa ra về tình hình thời tiết, bản tin nông vụ giúp người nuôi có được thông tin nhanh nhất và xác thực kịp thời ở từng địa phương.
Quy hoạch vùng nuôi
Việc quy hoạch lại vùng nuôi không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn bởi thực trạng nuôi thiếu quy hoạch, loài nuôi không phù hợp đang là vấn đề bức thiết của nghề nuôi tôm. Theo quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL, những hình thức nuôi được ưu tiên phát triển như: nuôi tôm - lúa đến năm 2020 là 200.000 ha và 250.000 ha vào năm 2030 (tăng 50.000 ha từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
Nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm quảng canh) đến năm 2020 là 95.000 ha, năm 2030 là 115.000 ha. Đồng thời với đó là quy hoạch các nhà máy chế biến gắn với các vùng nuôi tôm… Ngoài ra, cần quan tâm đến quy hoạch khu sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng giống bố mẹ, sản xuất thức ăn thủy sản, nghiên cứu bệnh thủy sản, thuốc kháng sinh, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh…
Tích cực bổ sung các chất dinh dưỡng
Để nuôi tôm hạn mặn thành công và cho tôm khỏe, người nuôi cần chủ động tích cực tiến hành các biện pháp bổ sung dinh dưỡng cho tôm. Có như vậy, con tôm mới có thể chống chịu được với môi trường, tránh sốc, giảm stress, chống chịu hạn mặn một cách hiệu quả.
Thông thường, người nuôi chỉ bổ sung thêm cho tôm các chất bổ gan, men tiêu hóa vào thời điểm tôm bệnh hay sắp thu hoạch, bởi thói quen sản xuất và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi thời tiết thất thường như hiện nay, việc định kỳ bổ sung thường xuyên các chất bổ trợ với liều lượng thích hợp vào thức ăn, ao nuôi cho tôm là vô cùng quan trọng và bức thiết.
Theo Lê Cung (Thủy sản Việt Nam)
0 comments:
Post a Comment