Xuất khẩu tôm sú tăng mạnh
Sự lao dốc của các thị trường nhập khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc trong năm 2015 đã khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm tới trên 20% so với năm 2014. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, tín hiệu của thị trường đã vực dậy nhiều lạc quan. Con số chính thức được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) công bố đầu tháng 4 cho thấy, XK tôm trong tháng 1 đạt 227,4 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng 1/2015. Bước sang tháng 2, kim ngạch có giảm chút ít, đạt hơn 151 triệu USD nhưng vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng giảm nhẹ 0,6%, riêng giá trị xuất khẩu tôm sú lại tăng mạnh tới 33,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung hai tháng đầu năm nay, kim ngạch XK mặt hàng chủ lực này đạt 378,4 triệu USD; tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Vasep đánh giá, có kết quả khả quan này là do giá trị XK tôm sang Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng tốt trên 36% nên dù XK sang một số thị trường chính khác giảm nhẹ như EU giảm 1,8%; Nhật Bản giảm 2,4%; Hàn Quốc giảm 0,6%; Canada giảm 17,3%; ASEAN giảm 2,5% thì tổng kim ngạch XK chung vẫn tăng trưởng.
Trong tổng sản lượng XK tôm, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,1%; tôm sú chiếm 35,8% và tôm biển khác chiếm 8,1%. So với cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng tôm chân trắng và tôm biển khác giảm (lần lượt chiếm 59,4% và 30,7% năm 2015), trong khi tỷ trọng tôm sú tăng (năm 2015 chỉ chiếm 9,9%). Theo đại diện Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (Thien Phu Seafood): Năm 2016, sản phẩm tôm đông lạnh XK sẽ rất cạnh tranh trên thị trường giao dịch cả về giá cả và chủng loại.
Bức tranh thị trường thay đổi
Điểm sáng của bức tranh XK tôm chính là thị trường Mỹ và Trung Quốc - Hongkong, từ vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường XK lớn nhất của năm 2015, Trung Quốc - Hongkong đã vượt qua Nhật Bản, EU vươn lên đứng thứ 2 (sau Mỹ) với giá trị XK đạt 64,8 triệu USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch XK. Đây là bất ngờ lớn đối với XK tôm của Việt Nam khi kim ngạch XK sang thị trường này tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 thị trường NK tôm Việt Nam. Theo nhận định của Vasep, đây có thể là sự chuyển hướng của các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong bối cảnh XK sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn. Ngoài ra, nhu cầu NK tôm để chế biến và XK của Trung Quốc tăng do Chính phủ nước này khuyến khích NK tôm nguyên liệu để bù đắp sản lượng tôm trong nước đang sụt giảm.
Đến nay, Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 24,8% tổng kim ngạch XK với 93,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2015. “Nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 được dự báo sẽ nhích lên do đồng USD tăng giá, giá tôm giảm so với 2 năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Doanh số bán tôm từ dịch vụ thực phẩm và các hãng bán lẻ tăng cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này”, Vasep nhấn mạnh.
Đối với thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 là EU cũng đang có sự “đổi ngôi” giữa một số nước trong khối này. Mặc dù kim ngạch XK tôm sang EU 2 tháng đầu năm có giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái với 63,5 triệu USD, nhưng có điểm đáng chú ý là thị trường Bỉ đã vượt qua Hà Lan lọt vào top 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối (lần lượt là Anh, Đức, Bỉ). Giá trị XK tôm sang Anh và Bỉ trong 2 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 38% và 42,5% trong khi XK sang Đức giảm 15,8%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, giá tôm trong quý 1/2016 có dấu hiệu khả quan khi liên tục giữ ở mức ổn định và tăng nhẹ tùy theo cỡ tôm. Trong tháng 3/2016, giá tôm đang cao hơn so với các tháng đầu năm, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá từ95.000-115.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 240.000-280.000 đồng/kg.
Dự báo trong thời gian tới, giá tôm có thể tiếp tục tăng, nhưng người nuôi tôm cần hết sức chủ động trong vụ tôm năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp với nắng nóng khốc liệt, nguồn nước phục vụ nuôi tôm không thuận lợi, xâm nhập mặn kéo dài.
Vasep nhận định: Năm 2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác sẽ tác động tích cực đến XK tôm Việt Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá và biến động tiền tệ nhưng XK tôm Việt Nam dự báo sẽ tăng 12%, đạt khoảng 3,3 tỷ USD.Thùy Linh
0 comments:
Post a Comment