Không như dự đoán, Microsoft đã chính thức ra mắt Windows 10 – phiên bản hệ điều hành hoàn toàn mới, nhiều cải tiến có thể sử dụng được trên mọi thiết bị từ di động đến PC.
Tên gọi Windows 10 đã khiến cho thế giới bất ngờ và mọi dự đoán về cái tên như Windows Threshold, Windows TH, Windows X, Windows One hay Windows 9 đều không đúng. Theo Microsoft, Windows 10 có nhiều đột phá và nó cần có một cái tên mới, họ không chọn Windows 9 vì quá bình thường, Phiên bản kết hợp giữa Windows 7 và Windows 8 cần phải có một cái tên đúng với “tầm” của nó, và đó là Windows 10.
Theo Microsoft, cuối năm 2015 sẽ chính thức tung ra Windows 10, bản Technical Preview sẽ được cho tải về vào ngày 2/10 nhưng chỉ dành cho các lập trình viên thuộc chương trình Windows 10 "Insider Program".
Tên mã nguyên thủy của Windows 10 là Windows Threshold, một phiên bản hệ điều hành kết hợp xuất sắc giao diện sử dụng Modern UI với desktop. Giờ đây, giao diện Metro không còn là một màn hình riêng nữa mà kết hợp trong nút Start Menu của hệ điều hành. Những Live Tiles đặc trưng của Windows 8 hay Windows Phone 8.1 trên Windows 10 sẽ hiển thị trong Start Menu. Điều đặc biệt, hệ điều hành Windows 10 tương thích với mọi chủng loại sản phẩm, từ desktop PC đến máy tính bảng và smartphone. Sự kết hợp hệ điều hành di động và PC làm một phiên bản trên Windows 10 còn độc đáo hơn ở khả năng thay đổi giao diện để phù hợp với cách thức sử dụng bằng chuột, bàn phím hay cảm ứng.Microsoft đã mất hai năm kể từ lúc ra mắt Windows 8 (10/2012) để nghiên cứu và tạo ra Windows 10. Sự kết hợp thành một phiên bản duy nhất cho di động và PC là xu hướng tất yếu, kho ứng dụng trên Windows cũng nhập làm một cũng là một hướng đi đúng của Microsoft.
Start Menu đã trở lại và thay đổi
Đúng như video rò rỉ mới đây trên một trang tin của Đức, Start Menu đã xuất hiện trở lại trên Windows 10. Đây không còn đơn thuần là một trình để tìm kiếm và khởi chạy mọi ứng dụng cũng như tinh chỉnh hệ thống nữa. Start Menu trên Windows 9 là sự kết hợp của Start Menu truyền thống trên Windows 7 và Live Tiles của các ứng dụng Modern UI. Người dùng có thể thêm, bớt, thay đổi vị trí, tăng kích thước… các Live Tiles này như trên giao diện Modern UI trên Windows 8. Các Live Tiles này “sống chung” với các ứng dụng nền desktop. Nói chung, Start Menu trên Windows 10 là nơi để người dùng tìm kiếm (trên máy tính và với công cụ Bing), khởi chạy các ứng dụng cổ điển (classic trên desktop) và ứng dụng mới trên môi trường Modern UI).
Start Menu mới kết hợp Live Tiles và ứng dụng truyền thống. |
Khi hiển thị trên các máy tính bảng cảm ứng, Start Menu của Windows 10 sẽ không giống như trên PC mà là một bảng chứa các Live Tiles và ứng dụng desktop với khoảng cách và biểu tượng lớn, để phù hợp với thao tác cảm ứng. Chức năng Continuum sẽ giúp cho người dùng linh hoạt hơn trong việc thay đổi môi trường sử dụng. Khi dùng chuột, bàn phím sẽ chọn giao diện cổ điển và khi dùng cảm ứng thì sẽ chuyển sang giao diện hiện đại, rất tiện lợi.
Chức năng đa nhiệm và đa desktop
Trên Windows 10, Microsoft đã bổ sung nhiều tính năng để tối ưu khả năng làm việc đa nhiệm. Chức năng Task View giúp người dùng xem các ứng dụng đang chạy (giao diện giống Exposé trước đây của Mac OS X). Chức năng Snap View giúp chia màn hình ra nhiều phần để sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng.
Chức năng đa desktop trên Windows 10. |
Đặc biệt, Windows 10 đã có chức năng đa môi trường sử dụng với Multi-Desktop (giống với Spaces trên Mac OS X), người dùng có thể di chuyển các cửa sổ ứng dụng đang dùng từ desktop này sang desktop khác bằng cách kéo thả được gọi là Snap Assist.
Thay đổi thanh Charm Bar
Mặc dù cho Start Menu trở lại, song Microsoft vẫn giữ Charm Bar - thanh công cụ bên phải giao diện để thiết lập ứng dụng môi trường Modern UI. Thao tác sử dụng của thanh này vẫn như trên Windows 8 - từ màn hình cảm ứng, vuốt từ ngoài viền rìa bên phải vào để mở hoặc tắt, trên PC thì rê chuột lên góc phải. Đặc biệt, thanh này sẽ hiển thị mặc định trên máy tính bảng cảm ứng. Microsoft không tiết lộ là có chức năng tắt thanh này hay không.
Ngoài ra, Windows 10 còn có một số thay đổi nhỏ ở trình dòng lệnh Command Prompt giúp phù hợp với người dùng bình thường hơn. Hiện chưa có thông tin gì về chức năng trợ lý ảo Cortana có được tích hợp trên Windows 10 hay không. Hy vọng ở bản dùng thử dành cho lập trình viên sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về phiên bản hệ điều hành nhiều cải tiến nhất này của Microsoft.
Video giới thiệu Windows 10
0 comments:
Post a Comment