Tử hình là một trong những chế tài hình sự gây tranh cãi nhất trong thế kỷ 21. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều có hai quan điểm trái chiều nhau về việc giữ lại hay bãi bỏ án tử hình. Những nhà nghiên cứu về vấn đề này khẳng định việc giữ lại hay bãi bỏ án tử hình không phụ thuộc vào điều kiện về quốc gia, tôn giáo, kinh tế hay lịch sử. Hiện nay, trên thế giới có 139 quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn hoặc không sử dụng án tử hình ít nhất trên 10 năm, chiếm 2/3 tổng các quốc gia trên thế giới. Còn lại 58 nước vẫn sử dụng án tử hình trong đó có Việt Nam [1]. Trong bài tiểu luận này, tác giả ủng hộ quan điểm nên bãi bỏ án tử hình và đưa ra các ý kiến về việc xây dựng một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn.
Đầu tiên, tôi xin trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi - người giúp dân tộc Ấn Độ đánh đuổi thực dân Anh mà không tốn một giọt máu - "An eye for an eye makes the whole world blind." (Xin tạm dịch là: Một mắt đền một mắt chỉ làm cho thế giới này toàn những người mù). Mỗi con người chúng ta đều có quyền cơ bản nhất đó là quyền sống. Không ai được xâm phạm vào quyền ấy ngay cả những người đã sinh ra ta. Một phạm nhân khi giết người khác thì đã xâm phạm vào quyền đấy nên phải bị bắt vào tù (có thể chịu khung hình phạt cao nhất là chung thân không khoan hồng). Giết một ai đấy là sai nhưng tại sao chúng ta lại sử dụng tử hình để chứng minh rằng giết người là sai? Chẳng phải tử hình là giết người? Tử hình có đền được mạng sống cho nạn nhân không? Giết 1 ai đó là sai. 2 việc làm sai (giết người và tử hình) thì không thể ra kết quả đúng được.
Tử hình có giúp tỷ lệ tội phạm giảm không? Giáo sư Michael L. Radelet, Chủ tịch Vụ Xã hội học thuộc đại học Colorado (Mỹ) công bố: 85% các chuyên gia tội phạm học hàng đầu và trên 2/3 số 400 cảnh sát trưởng mà ông khảo sát đều tin chắc rằng án tử hình không có tác dụng làm giảm đáng kể tội phạm giết người hoặc các tội nghiêm trọng khác [2].
Tử hình có sức răn đe không? Tôi nghĩ là không bởi vì đơn giản tôi có biết tử hình là thế nào đâu mà sợ. Việc thi hành tử hình chủ yếu không thông báo rộng rãi trong nhân dân nên nếu nói tử hình để răn đe là không phù hợp. Giá trị của luật pháp là để bảo vệ và khuyên bảo người dân chứ không phải để đe dọa. Cũng chưa thấy bằng chứng hiệu quả của việc răn đe, trấn áp tội phạm. Trên thực tế, có một số nghiên cứu cho thấy việc thi hành án tử hình còn kích động bạo lực nhiều hơn tính răn đe [2]. Mỗi ngày, các câu chuyện kinh hoàng như chém người, chặt khúc, đốt xác vẫn nhan nhản trên khắp mặt báo. Khi phạm nhân ra tay biết hậu quả sẽ bị tử hình nhưng không hề chùn bước. Trên thế giới, số liệu thống kê những nước duy trì tử hình, điển hình là Trung Quốc và Mỹ tỷ lệ tội phạm không giảm mà còn tăng chóng mặt. Trong khi đó ở các nước bãi bỏ tử hình như Anh, Canada, Úc, Châu Âu thì tỷ lệ tội phạm giảm. Một điều thú vị ngay trong nước Mỹ những bang thi hành tử hình cũng có tỷ lệ tội phạm cao hơn những bang bãi bỏ tử hình [3].
Phải chăng tử hình mới là hình phạt nhẹ? Phạm nhân bị phán quyết tử hình, người đó có thể ăn năn hối cải vì những việc mình đã làm trong một thời gian ngắn sau đó bị đưa đi tử hình. Chấm hết. Chẳng phải như vậy quá dễ dàng sao? Trong khi đó, tù chung thân không khoan hồng, họ sẽ phải gặm nhấm những sai trái của mình cho đến hết cuộc đời. Hình phạt nặng nhất cho một con người đó là bắt họ phải sống trong sự dày vò của lương tâm và tội lỗi. Cho dù, họ không ăn năn hối cải đi chăng nữa, họ chịu hình phạt phải làm việc, phải trả lại cái "nợ" cho người bị hại, cho xã hội. Như thế mới là hình phạt nặng nề nhất. Hãy tưởng tượng một con chim bị bắn chết với một con chim bị nhốt trong lồng cùng với sự dày vò trong sợ hãi. Con nào sung sướng hơn?
Sẽ phải xây thêm nhà tù? Có thể có người sẽ hỏi rằng nếu luật chung thân không khoan hồng thay thế cho tử hình được thông qua như vậy chúng ta sẽ phải xây thêm nhà tù, tuyển thêm quản giáo, nuôi phạm nhân và những thứ tiền phát sinh.
Đóng thuế là nghĩa vụ của người dân và nghĩa vụ của nhà nước là sử dụng HỢP LÝ đồng tiền ấy. Chúng ta đóng tiền thuế để xây nhà tù hay tuyển quản giáo cũng là đóng tiền bảo an cho chính chúng ta. Nhà tù được xây vì lý do đó. Cũng giống như việc đóng tiền xây cầu đường để đi lại. Trong nhà tù thì không bao giờ có việc ăn chơi ngồi rồi. Phạm nhân sẽ phải làm việc. Họ sẽ phải sản xuất mà có không lương. Công sức của phạm nhân sẽ chuyển hóa thành các sản phẩm phục vụ lợi ích xã hội.
Như đã đề cập ở bên trên, các nước châu Âu, Anh, Canada, Úc tỷ lệ tội phạm giảm đến 40% [4]. Và không có thông tin nào về việc từ lúc các quốc gia trên bãi bỏ tử hình mà phải xây thêm nhà tù.
Nếu tử hình oan thì có sửa sai được chăng? Ở Mỹ một cường quốc hàng đầu thế giới về điều tra tội phạm, thế nhưng không phải lúc nào họ cũng phán xét đúng. Nhờ công nghệ nhận dạng DNA mới từ năm 1992, 15 tử tù may mắn đã được thả [5]. Có 8 trường hợp bị tử hình oan. 39 trường hợp nghi ngờ rằng đã bị tử hình oan. Ngoài ra, từ năm 1973 đến năm 2005 nước Mỹ có tổng cộng 123 tử tù được thả vì có những bằng chứng vô tội về sau mới được tìm thấy [6]. Còn đây là câu chuyện một tử tù ở Việt Nam 26 năm sau mới được giải oan (http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Bi-ket-an-tu-hinh-oan-26-nam-sau-moi-duoc-giai/65057093/218/). Câu hỏi ở đây là nếu tử hình oan thì ta sẽ sửa sai bằng cách nào?
Vậy nếu tù nhân vượt ngục thì sao? Tù nhân vượt ngục là trách nhiệm của quản lý nhà tù. Tôi cho việc vượt ngục và việc kết án tử hình oan là hai việc hoàn toàn giống nhau. Trách nhiệm đó thuộc về những người quản lý và điều tra. Tôi tin việc vượt ngục người ta còn đưa lên mặt báo, chứ tử hình oan người ta không đưa lên đâu. Nếu có sự việc tử hình oan thì hỏi ai còn lòng tin vào pháp luật nữa. Nếu chúng ta có lòng tin vào pháp luật công bằng thì chúng ta cũng phải có lòng tin vào những người quản lý nhà giam. Trên thế giới này không có thuyết nào gọi là hoàn hảo 100% cả. Cái gì cũng có sự rủi ro của nó. Làm thế nào để rủi ro đó thấp nhất thì gọi là thành công.
Tử hình gây tác động không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống của người hành quyết.
Dưới đây là câu chuyện của đại tá công an Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hùng: “Mỗi khi có lệnh thi hành án tử hình, chúng tôi phải chọn đội thi hành án gồm 10 người là những đồng chí khỏe mạnh, có chiều cao, trí lực tốt, chưa có vợ, hoặc gia đình không có người ốm đau. Nếu có vợ, con thì không chọn đồng chí vợ đang mang bầu hoặc đang nuôi con nhỏ... và động viên anh em không được tiết lộ nhiệm vụ cho người thân và gia đình biết. Sau đó tổ chức cho anh em dựng hình nộm tập bắn, công tác tư tưởng, rồi mới ra pháp trường thi hành nhiệm vụ. Từng chỉ huy thực hiện án tử hình, tôi thấy, tại pháp trường tất cả những cán bộ chiến sĩ được phân công thi hành án tử hình đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hề nao núng trước tội phạm. Nhưng sau khi thực hiện xong công việc, vẫn có người không tránh khỏi bị ám ảnh, có đồng chí cả tuần về căng thẳng, không ngủ được.
Tôi có những vụ bắn cách đây 25 năm mà vẫn như mới bắn ngày hôm qua, hình ảnh diễn ra ở pháp trường vẫn y nguyên. Trên pháp trường, Hội đồng thi hành án thì ngồi rất xa, trước khi bắn, chúng tôi phải chạy một khoảng đường khá dài để báo cáo. Sau khi trở về vị trí chỉ huy bắn xong, người chỉ huy lại tiến sát tử tù để bắn viên cuối cùng, nhiều lần bắn viên cuối cùng, máu tử tội còn văng cả vào súng, vì thế mà người chỉ huy là căng thẳng nhất. Có người trong hội đồng thi hành án, mặc dù ngồi rất xa, nhưng khi nổ súng còn quay mặt đi, không dám nhìn…” [7]. Nay đại tá chắc sẽ thấy thanh thản hơn khi chính phủ vừa quyết định bỏ hình thức xử bắn thay vào tiêm thuốc độc. Thế nhưng trách nhiệm và gánh nặng bây giờ lại thuộc về những người đi tiêm. Ai sẽ đi tiêm kết liễu tử tù bây giờ? Tuy là hành quyết phạm nhân để trừ họa cho xã hội, giết một con người đơn giản như trong phim ảnh hay sao? Sáng sớm giết tử tội, chiều về có cảm giác hạnh phúc vui vầy với gia đình được chăng ? Những ám ảnh đó bản thân chúng ta có phải gánh vác không?
Tại sao phần lớn chúng ta ủng hộ chế tài tử hình? Cá nhân tôi nghĩ phần quan trọng là do ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ văn hóa phim ảnh của Mỹ và Trung Quốc đến suy nghĩ của chúng ta. Một kịch bản truyền thống của phim Mỹ sẽ là thế này: Nhân vật chính từ bỏ tổ chức, tổ chức đến thủ tiêu gia đình anh ta. Anh ta vác súng đi giết chết hết kẻ thù để trả thù cho gia đình. Anh là người hùng. Còn Trung Quốc thì quán triệt việc máu phải trả lại máu mới công bằng. Ngay cả ở Việt Nam, truyện cổ tích dành cho trẻ em, Tấm nấu mắm bằng xác của Cám rồi gửi về cho mẹ ghẻ ăn.
Tóm lại chúng ta nên làm gì? Trước hết tôi đề nghị bãi bỏ án tử hình thay vào đó án phạt cao nhất sẽ là tù chung thân không khoan hồng. Sau đó quan trọng nhất là chúng ta, hay xã hội, cần phải nhìn lại chính bản thân mình. Con người chẳng ai muốn phạm tội cả. Những người phạm tội suy cho cùng đều có nguyên nhân sâu xa. Thay vì chúng ta không tìm cái nguyên nhân sâu xa đó để xử lý, mà cứ áp dụng hình thức tử hình nhưng là một cách giải quyết nhanh gọn. Tội phạm thì như cỏ vậy, bạn có cắt cỏ mà không triệt gốc thì nó lại còn mọc nhanh hơn.
Để tôi ví dụ cho dễ hình dung: có câu chuyện gần đây tôi đọc trên báo về người cháu giết ông rất dã man để lấy tiền đi chơi điện tử. Chúng ta chỉ phán xét hành động giết người dã man mất nhân tính của người cháu nhưng lại không đi phân tích vì sao người cháu đó là làm vậy. Bị cáo làm vậy bởi vì muốn có tiền. Tại sao lại muốn có tiền? Tại vì để chơi game. Tại sao lại muốn chơi game? Tại vì bị cáo ghiền chơi game? Tại sao bị cáo ghiền chơi game? Đến đây để tôi trả lời hộ: tại vì xã hội không có sân chơi cho thanh niên, tại vì nhà trường không giáo dục học sinh về thể lẫn chất, tại vì gia đình không quan tâm chăm sóc, tại vì xã hội nhìn nhận thằng bé này là một tên côn đồ vô dụng…
Đánh giá con người qua hành vi là thiển cận. Chẳng có ai lại giết người không lý do. Nếu mà không có lý do thì người đó có thể vướng vào các bệnh về thần kinh, tâm lý, sinh học. Khi một phạm nhân giết người chúng ta liền đổ lỗi ấy cho phạm nhân, còn xã hội thì sao?
+ Xã hội, chính trị, nhà trường, gia đình, giáo dục ... đóng một vai trò rất lớn đến sự phát triển và hình thành các hành vi của tội phạm.
+ Xã hội không có sự công bằng, sự chênh lệch giàu nghèo, sự tôn thờ cuộc sống vật chất ... ảnh hưởng đến hành vi của tội phạm.
+ Con người chúng ta đối xử với nhau bằng những cái mác mà họ dán lên người khác. Nếu một người trước đó có tiền án về trộm cắp. Chúng ta sẽ dán các mác "thằng trộm cắp" lên họ. Liệu họ có thể sống như một người bình thường được không khi mà chúng ta đối xử với nhau bằng những cái mác thay vì là phẩm chất bên trong của con người.
Một xã hội phát triển là xã hội ở đó con người có cái nhìn tổng quát, đa chiều, đa phương diện từ mọi phía về một vấn đề. Chứ không phải là tự cho mình ở một vị trí cao rồi nhìn xuống phán xét người khác. Tôi nghĩ xã hội chúng ta sẽ bước thêm một bước không những gần tới sự phát triển về kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội mà còn nhân cách cao đẹp của con người nếu từ bỏ tử hình.
© Nguyễn Bá Huy 7/2010
Nguồn Khaisang
0 comments:
Post a Comment